Trung tâm phân tích

BÁO CÁO VĨ MÔ THÁNG 05.2024

CPI trong tháng 05 tăng ở hầu hết các nhóm hàng so với cùng kỳ với 10/11 nhóm tăng. Trong mức tăng so với tháng trước, có đến 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số tăng, 3 nhóm hàng giảm giá và 1 nhóm hàng không có thay đổi. Trong đó, nhóm Thực phẩm (trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống) và nhóm Nhà ở & Vật liệu xây dựng là các yếu tố chính dẫn đến chỉ số tiêu dùng tăng 0.05% so với tháng trước. Chỉ số thực phẩm tăng +0.59% MoM do giá thịt lợn tiếp tục tăng tăng trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2023, cập nhật đến ngày 29/05, giá thịt heo quanh ngưỡng 66,000-70,000/kg, tăng khoảng 4,000 đồng so với tháng trước. Ngoài ra, giá nhóm rau tươi cũng tăng 2.19% so với tháng trước, trong đó giá rau bắp cải tăng 6.75%, su hào tăng 4.17%. Nhóm Nhà ở & Vật liệu xây dựng tăng 0.38% MoM chủ yếu do nhu cầu sử dụng điện tăng cao vì thời tiết nắng nóng kéo dài khiến giá điện sinh hoạt tăng mạnh 2.11%MoM. Bình quân 5 tháng đầu năm, chỉ số tiêu dùng (CPI) tăng 4.03% svck, lạm phát cơ bản tăng 2.78%, chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 519.76 nghìn tỷ đồng trong tháng 05.2024, tăng +9.48% so với cùng kỳ, giảm nhẹ 0.07% so với tháng trước. Tốc độ tăng trưởng bán lẻ chưa thấy có sự phục hồi đáng kể nào khi tăng trưởng các tháng gần đây vẫn dưới 10%. Tính chung 5 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2,580.2 nghìn tỷ đồng, tăng 8.65% so với cùng kỳ, trong đó các dịch vụ bán lẻ hàng hóa (+7.42% YoY), Dịch vụ ưu trú và ăn uống (+15.06% YoY), Dịch vụ lữ hành (+45.11% YoY), Dịch vụ khác (+8.8% YoY) đều tăng trưởng.

Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP toàn ngành công nghiệp tiếp tục khởi sắc trong tháng 05.2024, tăng mạnh +3.85% MoM +8.87% YoY. Các hoạt động sản xuất nhìn chung tiếp tục phục hồi tích cực ở hầu hết các nhóm ngành, chỉ duy nhất nhóm khai khoáng có phần suy giảm do vấn đề về trữ lượng và giấy phép.

Tính đến ngày 31/05/2024, giải ngân đầu công khoảng 148,300 tỷ đồng, đạt 22.3% kế hoạch Chính phủ, tương đương 22.2% của cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm: quy định về trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hàng năm, thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn, công tác giải phóng mặt bằng, việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư, liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu và nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng.

FDI đăng ký lũy kế 5 tháng 2024 ở mức 8.25 tỷ USD, tăng 7.84% YoY. Nhóm ngành Công nghiệp chế tạo duy trì tỷ trọng lớn khi chiếm 57.14% tổng vốn đầu tư. FDI nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các tháng tiếp theo nhờ: (1) đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, (2) vốn đăng ký sản xuất & chế biến chế tạo bền vững, (3) các địa phương sử dụng các chính sách ưu đãi để thu hút vốn nước ngoài bằng các chính sách riêng từng vùng.

Trong tháng 5.2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 63.68 tỷ USD tăng +6.21% MoM +20.25% YoY, trong đó hoạt động xuất khẩu đạt 31.74 tỷ USD (chiếm 49.8% tỷ trọng, +15.41% YoY) và hoạt động nhập khẩu đạt 31.94 tỷ USD (chiếm 50.15% tỷ trọng, +25.48% YoY) đều tăng trưởng trong tháng 05, cán cân thương mại tăng từ 0.66 từ tháng 5/2023 lên 3.63 tỷ USD vào tháng 5/2024. Lũy kế Hoạt động xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI đạt mức 111.93 tỷ USD tăng +13,17% YoY, lũy kế hoạt động nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI đạt mức 93.51 tỷ USD tăng +14.49% YoY. Nhóm máy vi tính, sản phẩn điện tử là nhóm có kim ngạch xuất nhập khẩu chính (nhập khẩu 40.29 tỷ USD, xuất khẩu 27.01 tỷ USD), tiếp theo là nhóm máy móc phụ tùng, sắp thép, chất dẻo và xăng dầu.

Chúng tôi đánh giá, với kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm tiền đề tạo nhiều động lực cho thị trường chứng khoán cuối năm:
(1) tỷ giá hạ nhiệt và lãi suất giảm khi số liệu lạm phát tháng 05 của Mỹ đã giảm so với dự báo là cơ sở kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất vào cuối năm tương tự động thái của NHTW Châu Âu (ECB) đầu tháng 06; (2) NHNN đã có các biện pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng và giá vàng trong nước đã hạ nhiệt; (3) Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút dòng vốn FDI và xu hướng dịch chuyển sản xuất; (4) quá trình chuẩn bị cho nâng hạng thị trường 2025; (5) kết quả kinh doanh Q2/2024 của các doanh nghiệp niêm yết, với diễn biến tích cực cán cân thương mại và phục hồi tiêu dùng kỳ vọng KQKD Quý 2 của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục khởi sắc. Tuy nhiên, cần theo dõi các yếu tố địa chính trị thế giới tác động đến thị trường như xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng Trung Đông tác động đến giá dầu & giá cước vận tải, và Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2024.

 

Vui lòng xem báo cáo chi tiết: Báo cáo vĩ mô tháng 05.2024