VN-Index đạt mức tăng mạnh +1.45% vào phiên đầu tuần 23.2024 (ngày 03-07/06), tuy nhiên hiệu suất này không được duy trì vào các phiên sau đó và thanh khoản liên tục giảm dần do áp lực bán chốt lời khá mạnh ở vùng kháng cự 1,280-1,290 khiến lực mua gặp cản trở. Do đó, VN-Index đóng cửa tuần 23 tại 1,287.6 điểm, tăng +2.1% so với cuối tuần 22.
Chỉ số nhóm vốn hóa lớn (VN30) cũng là nhóm có hiệu suất vượt trội khi tăng 2.5% so với tuần trước, các nhóm nhóm vốn hóa vừa (VNMID) và nhóm vốn hóa nhỏ (VNSML) cũng tăng lần lượt +1.0% và 1.9%.
VN-Index khá tích cực với 255 mã tăng điểm/ 119 mã giảm và 25 mã tăng/ 4 mã giảm trên VN30. Các cổ phiếu dẫn đầu đà tăng điểm gồm SAB (+16.5% WoW), FPT (+5.5% WoW), TCB (+4.5% WoW), STB (+10.4% WoW), trong khi MWG có mức giảm (-2.4% WoW). Đáng chú ý là các cổ phiếu FPT và MWG là 2 trong các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trong tuần vừa qua.
Các nhóm ngành có sự phân hóa rõ rệt về thanh khoản: giá trị giao dịch bình quân tăng ở các nhóm cổ phiếu ngành Ngân hàng, Thép, Hóa Chất, Công nghệ thông tin và dòng tiền giảm ở các nhóm Chứng khoán, Bán lẻ, Nhựa cao su và Dầu khí. Về chỉ số, chỉ có duy nhất nhóm Bán lẻ và Y tế có biến động giảm còn lại đều biến động tăng.
Nhà đầu tư Cá nhân tiếp tục là lực đẩy của thị trường khi mua ròng 3,248 tỷ đồng. Trong khi đó, Nhà đầu tư Nước Ngoài bán ròng tuần thứ 14 liên tiếp với giá trị bán ròng 1,561 tỷ đồng và Nhà đầu tư tổ chức trong nước bán ròng 1,687 tỷ đồng.
Nhận định: chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng về thị trường trong tuần tiếp theo. Áp lực chốt lời và giá trị giao dịch liên tục giảm trong các phiên từ 4-7/6/2024, củng cố quan điểm thị trường sẽ rất khó khăn cho việc vượt cản mốc 1,300 điểm.
Chiến lược đầu tư: hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn (<50%). Quan sát sự kiện đáng chú ý nhất trong tuần này có thể tác động nên thị trường là quyết định về lãi suất của Fed cũng như dữ liệu lạm phát tháng 05/2024 của Mỹ.
Vui lòng xem cáo cáo chi tiết: Báo cáo thị trường tuần 24.2024
Chia sẻ