VN-Index đóng cửa tuần thứ 11.2025 tại 1,326 điểm, đi ngang khi chỉ tăng +0.1 điểm (+0.01%) so tuần trước đó. Thị trường có 3 phiên tăng điểm liên tiếp vào đầu tuần và giảm điểm vào 2 phiên cuối tuần. Đây cũng điều dễ hiểu khi áp lực chốt lời đã có dấu hiệu gia tăng cùng áp lực bán của khối ngoại khiến cho tâm lý dòng tiền bị suy giảm sau 9 tuần tăng mạnh liên tiếp. Giá trị giao dịch trung bình phiên tăng mạnh tuần thứ 8 liên tiếp đạt 22,689 tỷ đồng, tăng +3.5% so với tuần trước và tăng +32.9% so với trung bình 5 tuần gần nhất, đây cũng là thanh khoản cao nhất kể từ cuối tháng 6/2024 (tuần 26.2024).
Dòng tiền của nhóm Bất động sản tăng vượt trội khi tăng từ 15.4% lên mức 18.4%, chỉ số cũng tăng mạnh 6.8% WoW, nhưng chỉ ghi nhận một số cổ phiếu BĐS thuộc nhóm Vingroup (VIC, VHM, VRE) và nhóm đầu ngành BĐS KCN (BCM). Nhóm Ngân hàng có tỷ trọng giảm từ 22.9% xuống mức 21.6%. Ngược lại, các nhóm Xây dựng, CNTT chịu áp lực bán mạnh với thanh khoản tăng nhưng chỉ số lại giảm sâu lần lượt ở mức -2.6% và -6.9%.
Cả 3 nhóm đều giảm, trong đó nhóm vốn hóa vừa giảm mạnh nhất (-2.18%) rồi đến nhóm vốn hóa nhỏ (-1.79%). Nhóm vốn hóa lớn chỉ giảm -0.2% do áp lực điều chỉnh đến từ các cổ phiếu Ngân hàng và CNTT. Đà tăng từ các cổ phiếu họ VIN đã giúp chỉ số VN30 tránh được mức giảm sâu trong tuần qua.
Nhóm nhà đầu tư Cá nhân và Tổ chức trong nước mua ròng 1,206 tỷ đồng và 704 tỷ đồng. Ngược lại, Khối ngoại và Tự doanh bán ròng 1,699 tỷ đồng và 210 tỷ đồng.
Nhận định: VN-Index ghi nhận đà tăng chậm lại trong tuần qua sau khi chạm mức 1,343 điểm vào phiên thứ Tư – mức cao nhất trong nhiều năm, trước khi điều chỉnh vào hai phiên cuối tuần do áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại và thanh khoản gia tăng lên hơn 23-24 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, thị trường chịu tác động từ những bất ổn vĩ mô toàn cầu như (1) chứng khoán Mỹ giảm mạnh, (2) dòng tiền trú ẩn vào vàng gia tăng và (3) rủi ro từ việc Mỹ áp thuế nhập khẩu mới. Ngoài ra, trong nước thị trường sẽ còn chịu tác động từ đáo hạn phái sinh và cơ cấu danh mục VN30 trong các phiên tới. Với những yếu tố trên, chúng tôi nghiêng về kịch bản điều chỉnh trong ngắn hạn, tuy nhiên xu hướng trung dài hạn vẫn tích cực. Nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu tại vùng giá hợp lý và duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng, tránh mua đuổi khi thị trường còn biến động.
Mời Quý Nhà đầu tư xem báo cáo chi tiết: Báo cáo thị trường tuần 12.2025
Chia sẻ