Chỉ số tiêu dùng CPI trong tháng 11 tiếp tục tăng nhẹ +0.13% so với tháng trước và tăng 2.77% so với cùng kỳ. Yếu tố tác động mạnh nhất đến lạm phát trong tháng này là là giá điện chính thức tăng 4.8% so với giá bình quân hiện hành, tuy nhiên việc chỉ số CPI chỉ tăng nhẹ trong tháng 11 cho thấy sự kiểm soát lạm phát tốt của Chính phủ, đặc biệt việc kiểm soát thanh khoản hệ thống để duy trì sự cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá. Ngoài ra, giá xăng dầu giảm (trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục chậm) cũng giúp giảm thiểu áp lực lạm phát. Nhà ở & Vật liệu Xây dựng tăng trưởng mạnh trong tháng 11 trong bối cảnh phục hồi và rủi ro xung đột địa chính trị tăng mạnh đứt gãy chuỗi cung ứng. Ngược lại, giá thịt lợn và giá vé máy bay giảm giúp chỉ số CPI hạ nhiệt. Lũy kế 11 tháng 2024, CPI tăng 3.69% dưới mức trần 4.5% của chính phủ. Mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2024 sẽ hoàn thành kế hoạch nếu không có biến động nào quá bất ngờ trong tháng 12. Yếu tố áp lực lên lạm phát trong các tháng sẽ là Tỷ giá USD/VND tăng trở lại do các chính sách thuế quan và biện pháp tài khóa khi ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ.
Tổng mức bán lẻ trong tháng 11/2024 đạt 562 nghìn tỷ đồng, +0.81% MoM và +8.75% YoY. Tổng mức bán lẻ tăng trưởng mạnh được thúc đẩy bởi Dịch vụ lưu trú & ăn uống (+1.89% MoM, +12.89% YoY) và Dịch vụ lữ hành (-3.42% MoM, +12.49% YoY). Lũy kế 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 5,822 nghìn tỷ đồng, tăng +8.82% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động Bán lẻ hàng hóa đạt 4,487.3 nghìn tỷ đồng (+8.09% YoY), Dịch vụ lưu trú ăn uống đạt 669.1 nghìn tỷ đồng (+13.02% YoY), Dịch vụ lữ hành đạt 57.4 nghìn tỷ đồng (+17.32% YoY) và Dịch vụ khác đạt 608.5 nghìn tỷ đồng, (+9.05% YoY). Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng với triển vọng ngắn hạn của ngành bán lẻ do: (1) Doanh nghiệp sản xuất có sự phục hồi nhưng nhu cầu lao động vẫn ở mức thấp sẽ ảnh hưởng đến tổng sức mua tiêu dùng, (2) Sự chậm lại ở nhóm bán lẻ và du lịch do kết thúc kỳ nghỉ hè, (3) Tâm lý tiết kiệm của người dân. Tuy nhiên, Chúng tôi duy trì dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ trở lại như trước đặc biệt từ Quý 2/2025 (trên mức 10%YoY) trong trung dài hạn khi nên kinh tế được phục hồi và việc chuyển đổi số áp dụng công nghệ trong thương mại điện tử (thúc đẩy các mô hình như mua sắm đa kênh song song online lẫn cửa hàng).
Trong tháng 11/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so với kỳ trước đạt 66.4 tỷ USD (-4.09% MoM, +8.97% YoY) với Cán cân thương mại đạt 1.07 tỷ USD. Hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu đều có dấu hiệu suy giảm so với tháng trước khi lần lượt xuất khẩu đạt 33.73 tỷ USD (-5.33% MoM, +8.16% YoY) chiếm 50.8% tổng kim ngạch và nhập khẩu đạt 32.67 tỷ USD (-2.78% MoM, +9.81% YoY) chiếm 49.2% tổng kim ngạch. Lũy kế 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 715.6 tỷ USD (+15.37% YoY), trong đó Nhập khẩu đạt 345.6 tỷ USD (chiếm 48.3%, +16.37% YoY) và Xuất khẩu đạt 369.9 tỷ USD (chiếm 51.7%, +14.45% YoY). Cán cân thương mại thặng dư 24.3 tỷ USD, giảm -7.34% so với cùng kỳ năm trước. Chúng tôi cho rằng xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục hồi phục trong thời gian tới, đặc biệt xuất khẩu sẽ duy trì ở mức tăng trưởng 15% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025 với (1) Các dấu hiệu tích cực của FDI (2) Thương mại toàn cầu dự báo sẽ tăng trong năm 2025, (3) Cải cách về chính sách thương mại và hải quan giúp giảm chi phí và thời gian trong các quy trình hành chính.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục tăng trưởng, đây là mức tăng trưởng tốt khi tăng 2.29% với tháng trước và 8.94% so với cùng kỳ khi nhu cầu nhập hàng mạnh hơn trong bối cảnh các chính sách thuế quan của Mỹ chuẩn bị được xác nhận. Năm 2024, sản xuất công nghiệp đã có sự phục hồi đáng khích lệ với chỉ số IIP tăng trưởng ổn định nhờ nhu cầu xuất khẩu cải thiện và các chính sách thương mại hỗ trợ. Nhóm chế biến chế tạo tiếp tục là động lực chính, trong khi nhóm khai khoáng ghi nhận tín hiệu phục hồi dù vẫn thấp hơn cùng kỳ. Các nhóm sản xuất và phân phối điện, cung cấp nước duy trì tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, mức tăng trưởng vẫn chưa đạt biên độ cao như giai đoạn trước, phản ánh khó khăn từ chi phí đầu vào và thị trường phục hồi nhưng còn chậm.
Giải ngân đầu tư công từ đầu năm đến hết tháng 11/2024 là 438,852 tỷ đồng, đạt 54.4% tổng kế hoạch. Trong đó, ước giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo sang năm 2024 đạt 27,899 tỷ đồng đạt 49.1% kế hoạch, ước giải ngân vốn kế hoạch năm 2024 là 410,953 tỷ đồng, đạt 54.8% kế hoạch và 60.43% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (59.4% kế hoạch và đạt 65.1% kế hoạch Thủ tướng giao). Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40% như: TP.HCM (22.52%), Phú Yên (30.78%), Bắc Ninh (34.13%), Kiên Giang (34.31%). Khả năng đạt được kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công vào cuối năm 2024 sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Hiện tại, tỷ lệ giải ngân mới đạt 54.4% kế hoạch sau 11 tháng, trong khi các năm trước thường đạt hơn 60% vào cùng kỳ. Điều này tạo áp lực lớn cho tháng cuối năm, yêu cầu các địa phương và cơ quan thực hiện phải tăng tốc đáng kể. Điểm tích cực là Chính phủ đã có những biện pháp mạnh mẽ như đẩy nhanh sửa đổi chính sách pháp luật, tổ chức các tổ công tác đặc biệt hỗ trợ các địa phương, và tập trung tháo gỡ các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn cung nguyên vật liệu, và quy trình giải ngân. Nếu các giải pháp này được thực hiện đồng bộ và hiệu quả, tốc độ giải ngân có thể được đẩy nhanh trong thời gian còn lại.
Tổng vốn FDI đăng ký lũy kế 11 tháng năm 2024 ở mức 31.4 tỷ USD, +0.99%YoY. Trong đó, số dự án được cấp mới là 3,035 với giá trị 17.4 tỷ USD, có 1,350 dự án góp vốn mua cổ phần với giá trị 4.1 tỷ USD và 3,029 dự án vốn đăng ký tăng thêm với giá trị 9.9 tỷ USD. Tổng vốn thực hiện từ đầu năm đạt 21.7 tỷ USD, +7.06%YoY. Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, đạt gần 5.04 tỷ USD, tương đương 16.1% tổng đầu tư FDI, tăng +7.29%MoM. Lĩnh vực thu hút FDI hàng đầu vẫn là Chế biến chế tạo với tỷ trọng là 64.4%, tiếp theo là Bất động sản với tỷ trọng là 17.9%. Vốn FDI tiếp tục chậm lại trong tháng 11 đúng theo nhận định trong các báo cáo trước. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng dòng vốn này sẽ sớm tăng trở lại từ năm 2025 nhờ (1) Các chính sách mới của Mỹ dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam, tương tự như tác động trong nhiệm kỳ trước của ông Trump với các biện pháp bảo hộ thương mại mạnh mẽ, (2) Việc áp dụng quỹ hỗ trợ đầu tư (ISF) sẽ thúc đẩy các dự án chiến lược, (3) Việt Nam duy trì vị thế là điểm đến hấp dẫn với cơ sở hạ tầng đang được cải thiện, chi phí lao động cạnh tranh, và môi trường đầu tư ổn định.
Lãi suất liên ngân hàng có sự khác biệt ở hầu hết các kỳ hạn: ở kỳ hạn qua đêm (giảm 43bps về mức 3.11%), kỳ hạn 1 tháng (tăng 100bps lên mức 4.8%), kỳ hạn 3 tháng (tăng 91 bps lên mức 5.52%) và kỳ hạn 6 tháng (tăng 24 bps lên mức 5.34%). Mặt bằng lãi suất vẫn theo dự đoán của chúng tôi trong các báo cáo trước. Chúng tôi duy trì quan điểm về việc lãi suất sẽ ổn định hoặc tăng nhẹ (trừ khi có các tác động từ các công cụ hỗ trợ khác mạnh hơn từ NHNN) do: (1) Mặc dù tỷ giá tăng trở lại sau khi ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ nhưng áp lực tỷ giá hạ nhiệt khi Fed tiếp tục hạ lãi suất, (2) Chính phủ Việt Nam vẫn duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ phát triển nền kinh tế.
Lợi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục đi ngang trong cả 3 kỳ hạn: lợi suất tăng 1 bps ở kỳ hạn 1 năm lên mức 2%, đi ngang trong kỳ hạn 2 năm ở mức 2% và tăng 7bps ở kỳ hạn 10 năm lên mức 2.87%. Lợi suất trái phiếu chính phủ duy trì đi ngang hoặc giảm nhẹ trong 4 tháng vừa qua phản ánh mức độ rủi ro vĩ mô trong nước ổn định và ở mức thấp, tình hình kinh tế vẫn đang tiếp tục hồi phục. Chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm lợi suất trái phiếu sẽ tiếp tục đi ngang trong tháng 12.2024 và đầu năm 2025.
Tháng 11/2024, cả Tỷ giá trung tâm, Tỷ giá ngân hàng (VCB) và Tỷ giá tự do đều có xu hướng tăng nhẹ lần lượt 0.03%MoM, 0.12% MoM và 0.28% MoM. Chúng tôi duy trì quan điểm tỷ giá sẽ tiếp tục tăng do kỳ vọng về các chính sách kinh tế của ông Trump, làm đồng USD mạnh lên và lạm phát tại Mỹ tăng cao. Để đối phó với tình hình này, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp bằng cách bán ngoại tệ can thiệp. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá vẫn còn hiện hữu trong ngắn hạn, đặc biệt khi nhu cầu ngoại tệ tăng cao do yếu tố mùa vụ khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên vật liệu cho mùa sản xuất cuối năm và các nghĩa vụ trả nợ quốc tế.
Giá vàng SJC trong nước giảm mạnh trong tháng 11/2024 ở cả 2 chiều mua và bán, chiều mua (83.3 triệu VND/lượng, -5.34% MoM, +15.96% YoY) và chiều bán (85.8 triệu VND/lượng, -4.67% YoY, +16.58% YoY), chênh lệnh bán mua sau 5 tháng đi ngang liên tiếp đã tăng 2.5 triệu VND/lượng. Giá vàng đang sụt giảm (theo luận điểm của chúng tôi trong báo cáo tháng trước, việc ông Trump ủng hộ đồng USD sẽ khiến giá vàng thế giới và Việt Nam sẽ giảm giá trong thời gian tới).
VN-Index kết thúc tháng 11/2024 tại 1,250 điểm, giảm tháng thứ 2 liên tiếp với mức giảm 14.0 điểm (-1.11%) so với tháng trước. Giá trị giao dịch ở mức đáy kể từ tháng 5/2023, chỉ đạt trung bình 14,219 tỷ đồng/phiên, giảm 11.39% so với tháng trước và giảm 19.94% so với trung bình 5 tháng gần nhất. Dòng tiền và chỉ số giá giảm ở các nhóm cổ phiếu Ngành Ngân hàng, Dịch vụ Tài chính (Chứng khoán), Thép, Bán lẻ. Mặc dù có những dấu hiệu tích hơn về mặt kỹ thuật và thanh khoản đặc biệt từ phiên giao dịch thứ 5 ngày 5/12, chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng cho rằng thị trường khó có thể vượt mức 1,300 trong các tuần cuối của năm 2024 và sẽ giao động trong biên độ 1,260-1,280 đến hết tháng 12/2024.
Nhận định: Kinh tế Việt Nam năm 2024 duy trì ổn định và có sự phục hồi tích cực, đặc biệt trong xuất khẩu và sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, đầu tư công giải ngân chậm và dòng vốn FDI tăng trưởng thấp đã phần nào hạn chế đà tăng trưởng. Triển vọng năm 2025 được dự báo tích cực hơn nhờ sự hồi phục kinh tế toàn cầu, các chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump thúc đẩy dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam, và dòng vốn FDI mạnh vào các lĩnh vực chế biến chế tạo, công nghệ, và năng lượng sạch. Tuy nhiên, cần lưu ý một số rủi ro như áp lực từ lạm phát và tỷ giá do USD mạnh lên, bất ổn địa chính trị, sự phục hồi không đồng đều của các thị trường xuất khẩu lớn, và tiến độ cải cách hành chính, pháp lý còn chậm. Với những cơ hội và thách thức đan xen, năm 2025 hứa hẹn sẽ là thời điểm Việt Nam phải khẳng định năng lực thích ứng và tận dụng tối đa các động lực tăng trưởng mới.
Vui lòng xem báo cáo chi tiết: Báo cáo vĩ mô tháng 11.2024
Chia sẻ