VN-Index sau 3 tuần tăng liên tiếp đã có tuần điều chỉnh đầu tiên tại mốc 1,263 điểm, giảm -7.57 điểm (-0.6%) so với tuần trước. Đầu tuần chỉ số cao nhất lên 1,278 điểm (tiến sát vùng kháng cự 1,280). Tuy nhiên, chỉ số không thể duy trì đà tăng, một phần do áp lực lãi suất USD toàn cầu khiến khối ngoại bán ròng 5 phiên liên tiếp, dẫn đến cung cầu mất cân bằng và quay về 1,262 điểm (tương ứng vùng tích lũy 1,260). Giá trị giao dịch sụt giảm khi thị trường giao động trong biên độ hẹp chỉ đạt 14,268 tỷ đồng, giảm -11% so với tuần trước và giảm -2% so với trung bình 5 tuần.
Dòng tiền tăng ở các nhóm Ngân hàng, Thép, Thực phẩm và Dầu khí, trong khi giảm ở các nhóm Bất động sản, Chứng khoán, CNTT, Hóa chất, Bán lẻ, Xây dựng và Y tế. Nhóm Dầu khí nổi bật với tuần thứ 3 cải thiện liên tiếp cũng như là nhóm dẫn dắt thị trường. Nhóm Ngân hàng sau 7 tuần giảm tỷ trọng dòng tiền liên tiếp cũng có tuần hồi phục nhưng chỉ số giảm -0.3%.
Nhóm vốn hóa nhỏ (VNSML) đi ngược thị trường chung khi tăng nhẹ +0.1%, trong khi 2 nhóm còn lại giảm lần lượt VNMID (-0.64%) và VN30 (-0.43%). Nhóm VNSML ghi nhận dòng tiền tăng mạnh kỷ lục lên mức 12.5%, nhóm VN30 cải thiện nhẹ tăng từ 45.8% lên mức 46.5%. Ngược lại, nhóm VNMID giảm tỷ trọng từ 43.1% xuống mức 41.0%.
Nhóm Cá nhân mua ròng 2,330 tỷ đồng. Trong khi đó, các nhóm còn lại bán ròng với Khối ngoại bán ròng 1,136 tỷ đồng, Tự doanh bán ròng 801 tỷ đồng và nhóm Tổ chức trong nước bán ròng 393 tỷ đồng.
Nhận định: Thị trường đã trải qua 4 phiên giảm liên tiếp, đưa VN-Index về vùng tích lũy 1,260 điểm với thanh khoản thấp, vận động chậm và không xuất hiện áp lực bán ròng mạnh. Chúng tôi nhận định thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh tích lũy ngắn hạn quanh vùng 1,240-1,260 điểm và nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì trạng thái này trong tuần tới nếu các yếu tố rủi ro toàn cầu, đặc biệt là áp lực tỷ giá, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, động lượng thị trường vẫn đang duy trì ở mức tốt, cho thấy khả năng xuất hiện các nhịp hồi phục ngắn hạn khi có thông tin hỗ trợ tích cực, qua đó giúp VN-Index cải thiện dần và hướng tới vùng 1,280 điểm. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức 50-60%, tập trung vào các mã cơ bản tốt có tiềm năng tăng trưởng ổn định trong năm 2025, đồng thời hạn chế sử dụng đòn bẩy cao để quản trị rủi ro danh mục.
Mời Quý Nhà đầu tư xem báo cáo chi tiết: Báo cáo thị trường tuần 51.2024
Chia sẻ