CPI trong tháng 08 không đổi so với tháng trước nhưng tăng +3.45% so với cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 02/2024. Hầu hết các nhóm ngành lớn đều tăng nhưng không nhiều so với kỳ trước (10/ 11 nhóm ngành tăng, chỉ có duy nhất nhóm Giao Thông giảm mạnh -1.98% so với kỳ trước không có sự thay đổi so với tháng trước), chỉ có 2 nhóm tăng trưởng trên 0.2% gồm nhóm Hàng ăn uống & Dịch vụ (+0.27% MoM), Nhà ở và Vật liệu xây dưng VLXD (+0.29%MoM). Đối với nhóm Giao thông (nhóm duy nhất giảm trong tháng) nguyên nhân chủ yếu cho giá dầu Diezen và giá xăng giảm lần lượt 7.05% và 5.83%, giá vận tải hành khách đường sắt giảm 4.08%. Lũy kế 8T.2024, CPI tăng 4.04%YoY và lạm phát cơ bản tăng 2.71%YoY.
Tiêu dùng trong nước tăng trưởng ở các mức thấp trong các tháng qua khi tăng trưởng 8-9%, tuy nhiên trong tháng này có sự sụt giảm đáng kể khi chỉ ở mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 tháng gần đây. Tăng trưởng trong tháng 8 chững lại do các hoạt động Bán lẻ hàng hóa (+7.47% YoY) và Dịch vụ lữ hành (+7.12% YoY) giảm sút. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 4,148 nghìn tỷ đồng, tăng 8.46% so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp tăng trưởng có phần chậm lại trong tháng 08 đạt +9.5%YoY và +2% MoM, thấp hơn khá nhiều so với đà tăng 11-12% của 2 kỳ trước. Nhóm Khai khoáng (+1.5% MoM, -1.5% YoY) mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng do vấn đề về trữ lượng và giấy phép, tuy nhiên đã có một số cải thiện đáng kể trong hoạt động khai thác trong tháng: Khai thác dầu thô & khí đốt tự nhiên (+1.4% MoM, -0.1% YoY), hoạt động dịch vụ hỗ trợ (+7.2% MoM, +15.9 YoY). Nhóm ngành Chế biến chế tạo (+2.2%MoM, +10.6%YoY) đà tăng trưởng so với kỳ trước đã giảm mạnh so với 3 kỳ gần nhất (biên độ tăng trưởng ở mức 12-15%). Cụ thể, một số ngành có tăng trưởng đi lùi đáng chú ý như Điện tử & Máy tính (từ 16.22% còn 1.5%), Phương tiện vận tải (từ 31.38% còn 23%), Gỗ (5.53% còn 3.8%) và Thuốc lá (4.2% xuống -3.2%). Điểm sáng là một số nhóm duy trì được đà tăng trưởng như Thực phẩm, Đồ uống, Dệt may. Chỉ số Sản xuất và phân phối điện (+2.1% MoM, +8.9% YoY) đà tăng so với kỳ trước đã giảm dần do đã qua tâm điểm (mùa hè), tuy nhiên vẫn duy trì được xu hướng tăng hàng năm do nhu cầu sử dụng điện duy trì đà tăng. Mảng cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (-0.1%MoM, +12.6%YoY) duy trì đà tăng ổn định ở hoạt động Khai thác, xử lý & cung cấp nước (+2.2%MoM, +4%YoY) và Thoát nước & xử lý nước thải (-0.4%MoM, +7.4%YoY).
Tính đến hết tháng 8 năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công đạt 274,501 tỷ đồng, đạt 37.01% tổng kế hoạch và đạt 40.49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (đạt 39.55% kế hoạch và đạt 42.35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong số 13/44 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên mức bình quân chung, Bộ Giao thông vận tải là đơn vị có số vốn đầu tư công được giao rất lớn, đạt tỷ lệ giải ngân xấp xỉ 50%.
Tổng vốn FDI đăng ký 8T.2024 giảm tốc ở mức 20.53 tỷ USD, tăng 7%YoY. Trong đó, dự án được cấp mới 2,247 (gần 12 tỷ USD), 926 dự án tăng vốn, mua cổ phần (2.8 tỷ USD) và 2,196 dự án vốn đăng ký tăng thêm (5.71 tỷ USD). Tổng vốn thực hiện từ đầu năm đạt 14.15 tỷ USD, +8.02YoY. Lĩnh vực thu hút FDI hàng đầu vẫn là chế biến chế tạo với tỷ trọng 69.0%, tiếp theo là Bất động sản với tỷ trọng 16.4%. Bắc Ninh dẫn đầu cả nước tháng thứ 3 liên tiếp về thu hút FDI khi đạt 3.47 tỷ USD, tương đương 16.9% tổng đầu tư FDI, tăng 8.43%MoM.
Trong tháng 08/2024, cán cân thương mại đạt 4.05 tỷ USD khá tích cực với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 70.18 tỷ USD tăng +1.76% so với tháng trước và tăng +15.8% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động xuất khẩu đạt 37.25 tỷ USD (chiếm 53.1% tỷ trọng) tăng +4.5% so với tháng trước và tăng +15.78% so với cùng kỳ, hoạt động nhập khẩu đạt 32.93 tỷ USD (chiếm 46.93% tỷ trọng) giảm -1.2% so với tháng trước nhưng vẫn tăng +15.83% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 512.31 tỷ USD (+17.38% YoY), trong đó Nhập khẩu đạt 246.87 tỷ USD (+18.53% YoY) và xuất khẩu đạt 265.44 tỷ USD (+16.34%YoY) và Cán cân thương mại đạt 18.57 tỷ USD (-6.64% YoY).
Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm ở các kỳ hạn: qua đêm (giảm 35bps về mức 4.02%) kỳ hạn 1 tháng (giảm 66 bps về mức 4.05%), kỳ hạn 3 tháng (giảm 25 bps về mức 5.09%) và kỳ hạn 6 tháng (giảm 27 bps còn mức 5.98%). Mặt bằng lãi suất giảm đúng với kỳ vọng của chúng tôi trong các tháng trước, chúng tôi duy trì quan điểm về việc lãi suất sẽ tiếp tục giảm hoặc đi ngang trong thời gian tới do: (1) áp lực tỷ giá đang có xu hướng giảm dần và (2) mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp để duy trì động lực cho nền kinh tế.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ đi ngang trong cả 3 kỳ hạn còn lại: lợi suất ở kỳ hạn 1-2 năm giảm 0.01% ở mức 2.01%, lợi suất 10 năm giảm 0.06% ở mức 2.83%. Lợi suất trái phiếu chính phủ gần như đi ngang trong 3 tháng vừa qua phản ánh mức độ rủi ro vĩ mô vẫn ở mức thấp, tình hình kinh tế đang dần hồi phục. Tuy nhiên, Nhà đầu tư nên lưu ý diễn biến cuộc họp Fed trong tháng 9 với kỳ vọng lãi suất giảm sẽ tác động đến tình hình lãi suất trong nước.
Tỷ giá thị trường tự do và tỷ giá Ngân hàng VCB tiếp tục giảm lần lượt –2.06%MoM và –1.53%MoM, chỉ có Tỷ giá trung tâm gần như đi ngang so với tháng trước khi giảm 0.13%. Tỷ giá đã dần hạ nhiệt nhờ những yếu tố: (1) Đồng USD suy giảm do CPI của Mỹ hạ nhiệt và kỳ vọng Fed giảm lãi suất và (2) FDI duy trì tích cực. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi thì tỷ giá vẫn còn một số rủi ro cần phải theo dõi như: (1) Trump đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ tạo áp lực lên đồng USD, (2) Lạm phát tăng trở lại hoặc kinh tế Mỹ phục hồi mạnh hơn dự kiến thì Fed có thể buộc phải tăng lãi suất và (3) Lạm phát trong nước gia tăng có thể buộc NHNN thắt chặt chính sách tiền tệ.
Giá vàng SJC trong nước tiếp tục tăng trong tháng 8/2024 ở cả 2 chiều mua (79 triệu đồng/lượng, tăng 2.6%MoM) và chiều bán (81 triệu đồng/lượng, tăng 2.53%MoM), chênh lệnh mua bán đi ngang trong tháng thứ 3 liên tiếp ở mức 2 triệu đồng/lượng. Trong tháng trước, giá vàng Việt Nam so với Giá vàng thế giới đã có lúc khoảng cách giá về ngưỡng 0%, tuy nhiên trong tháng này giá vàng SJC trong nước đã thấp hơn giá vàng thế giới ở mức 3%. Theo quan điểm của chúng tôi, giá vàng Việt Nam sẽ có xu hướng tương đồng theo giá vàng thế giới.
Vui lòng xem báo cáo chi tiết: Báo cáo vĩ mô tháng 08.2024
Chia sẻ