Tăng trưởng GDP trong Q3.2024 đạt 7.4%YoY, đà hồi phục tiếp tục diễn biến tích cực mặc dù phải hứng chịu ảnh hưởng của thiên tai bão lũ nhờ: (1) sức tiêu dùng tiếp tục có sự cải thiện (2) FDI tăng trưởng mạnh mẽ trở lại (3) NHNN duy trì lãi suất thấp
Chỉ số CPI trong tháng 09 mặc dù tăng nhẹ nhưng vẫn trong xu hướng hạ nhiệt, tăng +0.29%MoM và tăng +2.63%YoY, đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 08/2023. Đáng chú ý, một số nhóm có sự giảm tốc như nhóm Giao thông (-5.3%YoY, -2.8%MoM) và một số nhóm hàng chính tăng chậm lại như Nhà ở & Vật liệu xây dựng, May mặc và Giày dép… Bình quân 9 tháng năm 2024, CPI tăng 3.88%YoY vẫn dưới mức trần 4.5% của Chính phủ. Tuy nhiên, áp lực lạm phát cuối năm khi giá điện tăng 4.8% từ tháng 10, nhưng chúng tôi duy trì quan điểm lạm phát vẫn trong ngưỡng mục tiêu, tạo điều kiện cho các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng kích thích tăng trưởng kinh tế.
Tiêu dùng trong nước đã có 2 tháng suy giảm liên tiếp khi tháng 9 chỉ tăng trưởng 7.63%, thấp hơn nhiều so với các tháng trước (mức tăng trưởng trong khoảng 8-9%), đây cũng là mức thấp trong 11 tháng gần đây. Tăng trưởng trong tháng 9 chậm lại ở hầu hết các nhóm, nhóm Bán lẻ hàng hóa (+7.7%YoY), Dịch vụ ăn uống (+7.94%YoY) và Dịch vụ Lữ hành (+1.86%YoY). Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 4,703.4 nghìn tỷ đồng, tăng 8.77% so với cùng kỳ năm 2023.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục tăng trưởng, trừ nhóm khai khoáng, mặc dù bão Yagi ảnh hưởng trong trong tháng 09.2024 (-0.19% MoM, +10.84%YoY) được dẫn dắt bởi lĩnh vực Công nghiệp Chế biến chế tạo.
Trong tháng 9/2024, tổng kim ngạch xuất nhập nhập tiếp tục duy trì tăng trưởng 2 chữ số đạt 65.84 tỷ USD (-7.97% MoM, +11.28% YoY) với Cán cân thương mại đạt 2.32 tỷ USD, mặc dù có sự suy giảm so với 2 tháng trước ở cả xuất khẩu và nhập khẩu. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch Xuất nhập khẩu đạt 578.5 tỷ USD (+16.6% YoY), trong đó Nhập khẩu đạt 278.8 tỷ USD (chiếm 48.2%, +17.5% YoY) và Xuất khẩu đạt 299.7 tỷ USD (chiếm 51.8%, +15.7% YoY. Cán cân thương mại đạt thặng dư 20.81 tỷ USD, giảm nhẹ 3.9% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tốc độ tăng trưởng nhập khẩu nhanh hơn so với xuất khẩu. Có 29 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu lũy kế lớn hơn 1 tỷ USD trong 9T.2024, chiếm 97.1% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, có 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt hơn 10 tỷ USD, chiếm 74.1% tổng xuất khẩu hàng hóa.
Tính đến ngày 30/09/2024, ước giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 320,566 tỷ đồng, bằng 47.29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Đáng nói vẫn còn 31 bộ, cơ quan và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước. Một số địa phương kế hoạch đầu tư lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp: TP.HCM được giao hơn 79,263 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 21.29% kế hoạch. Hà Nội được giao hơn 81,033 tỷ đồng, nhưng mới chỉ đạt 38.88% kế hoạch.
Tổng vốn FDI đăng ký lũy kế 9 tháng năm 2024 ở mức 24.78 tỷ USD, +11.6%YoY. Trong đó, số dự án được cấp mới là 2,492 (giá trị 13.55 tỷ USD), 1,027 dự án góp vốn mua cổ phần (3.59 tỷ USD) và 2,471 dự án vốn đăng ký tăng thêm (7.64 tỷ USD). Tổng vốn thực hiện từ đầu năm đạt 17.34 tỷ USD, +8.9%YoY.
Lãi suất liên ngân hàng diễn biến trái chiều nhưng vẫn ở mức ổn định: lãi suất giảm ở kỳ hạn 3 tháng (giảm 19bps về mức 4.9%) và kỳ hạn 6 tháng (giảm 64bps về mức 5.34%), nhưng tăng ở kỳ hạn ngắn như kỳ hạn qua đêm (tăng 42bps lên mức 4.44%) và kỳ hạn 1 tháng (tăng 0.21bps lên mức 4.26%). Chúng tôi duy trì quan điểm về việc lãi suất sẽ tiếp tục giảm hoặc đi ngang trong thời gian tới do: (1) Áp lực tỷ giá đang có xu hướng giảm dần, (2) mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp để hỗ trợ phát triển nền kinh tế.
Lợi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm nhẹ trong cả 3 kỳ hạn: lợi suất giảm 1-2bps ở kỳ hạn 1-2 năm và giảm 6bps ở kỳ hạn 10 năm xuống mức 2.77%. Lợi suất trái phiếu chính phủ duy trì đi ngang hoặc giảm nhẹ trong 3 tháng vừa qua phản ánh mức độ rủi ro vĩ mô vẫn ở mức thấp, tình hình kinh tế đang dần hồi phục.
Tỷ giá trung tâm và tỷ giá VCB hạ nhiệt giảm lần lượt -0.54% MoM và -1.16% MoM, chỉ có duy nhất tỷ giá thị trường tự do tăng so với tháng trước (+0.4% MoM). Chúng tôi duy trì mức độ hạ nhiệt của tỷ giá nhờ những yếu tố: (1) USD/VND suy giảm khi Fed cắt giảm lãi suất, (2) FDI duy trì tích cực, (3) Xuất khẩu duy trì tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, tỷ giá vẫn còn một số rủi ro cần phải theo dõi: (1) Sự phục hồi tich cực của nền kinh tế Mỹ gia tăng sức mạnh của đồng USD, (2) Fed hạ lãi suất với cường độ thấp hơn kỳ vọng và (3) Ông Trump nếu đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ tạo áp lực lên đồng USD.
Giá vàng SJC trong nước tiếp tục tăng mạnh trong tháng 9/2024 ở cả 2 chiều mua (83.5 triệu VND/lượng, +3.16% MoM, +19.5% YoY) và chiều bán (83.5 triệu VND/lượng, +3.09% MoM, +21.19% YoY), chênh lệnh bán mua đi ngang trong tháng thứ 3 liên tiếp ở mức 2 triệu VND/lượng. Giá vàng trong nước đang tăng theo giá vàng thế giới, giá vàng thế giới đang trong xu hướng tăng do Fed đã chính thức giảm lãi suất điều hành 0.5% và dự báo kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm (theo dự báo dưới 0.5%) trong Q4.2024/Q1.2025.
Nhận định: Kinh tế Việt Nam kỳ vọng tiếp tục đạt tăng trưởng tốt trong 3 tháng cuối năm 2024, với các yếu tố hỗ trợ như: Chính sách duy trì mặt bằng lãi suất thấp và các gói hỗ trợ của Chính phủ kích thích sản xuất và tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, sự phục hồi của các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc (tung các gói hỗ trợ nền kinh tế) là động lực gia tăng xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, dòng vốn ngoại kỳ vọng giảm áp lực bán khi Fed đã bắt đầu cắt giảm lãi suất và cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không cần ký quỹ 100% là những động lực cho thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội bức phá vào cuối năm.
Vui lòng xem báo cáo chi tiết: Báo cáo vĩ mô tháng 09.2024
Chia sẻ