“Khởi đầu biến động, thách thức và cơ hội song hành”
Chỉ số tiêu dùng (CPI) trong tháng 01/2025 tăng 0.98% so với tháng trước, tăng 3.63% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tháng 01/2024, đây là mức cao nhất kể từ tháng 8/2024, nhưng thấp hơn mức đỉnh tháng 5/2024 (+4.44% YoY). Yếu tố tác động mạnh nhất đến lạm phát trong tháng này là nhóm Thuốc & Dịch vụ y tế (+9.47% MoM, +14.14% YoY), do thông tư số 21/2024/TT-BYT khiến một số địa phương tăng giá dịch vụ y tế, Nhóm Hàng ăn & Dịch vụ ăn uống (+0.74% MoM, +4.42% YoY) do nhu cầu của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Chúng tôi dự báo Lạm phát bình quân năm 2025 sẽ tăng cao do (1) Rủi ro xung đột địa chính trị lan rộng, ảnh hưởng đến giá năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu, (2) Chính sách dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể gây ra gián đoạn trong chuỗi cung ứng, làm gia tăng chi phí sản xuất và giá hàng hóa, (3) Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% và tăng trưởng tín dụng 16%, tạo áp lực lên tổng cầu và mặt bằng giá cả. Mặc dù vậy, chúng tôi đưa ra quan điểm lạm phát trong 2025 sẽ được kiểm soát ở mức 4-5%, một phần do giá gạo giảm vì Indonesia (một trong những quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới) dừng nhập khẩu gạo.
Tổng mức bán lẻ trong tháng 01/2025 đạt 573.3 nghìn tỷ đồng, tăng +2.67% MoM và +9.46% YoY, phản ánh nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết và sự sôi động của du lịch nội địa. Trong đó, Bán lẻ hàng hóa (+4.06% MoM, +8.57% YoY) và Dịch vụ lưu trú & ăn uống (+2.99% MoM, +14.77% YoY) duy trì đà tăng tích cực. Dịch vụ lữ hành ghi nhận mức tăng trưởng mạnh theo năm (+17.33% YoY) dù giảm nhẹ so với tháng trước (-5.26% MoM), trong khi Dịch vụ khác cũng tăng đáng kể (+9.76% YoY) nhưng có sự điều chỉnh (-6.27% MoM) do yếu tố mùa vụ. Chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan về triển vọng ngành bán lẻ, với tốc độ tăng trưởng dự kiến vượt 10% từ Quý 2/2025, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch và các chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước. Sự cải thiện thu nhập của người dân trong bối cảnh kinh tế hồi phục sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong các tháng tới. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số và sự phát triển của thương mại điện tử tiếp tục thúc đẩy mô hình mua sắm đa kênh, hỗ trợ tăng trưởng bền vững cho ngành bán lẻ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm -9.16% MoM nhưng vẫn tăng nhẹ +0.61% YoY trong tháng 01/2025 do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán làm chậm hoạt động sản xuất. Chúng tôi đánh giá sự chững lại này không ảnh hưởng đến xu hướng hồi phục trung và dài hạn, nhưng cần theo dõi tác động từ các chính sách mới của ông Trump. Nhóm khai khoáng (-9.05% MoM, –10.44% YoY) tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố từ cấp phép khai thác và giá nguyên liệu chuyển biến thất thường trong thời gian qua. Vì vậy trong ngắn hạn chúng tôi dự báo nhóm khai khoáng sẽ tiếp tục suy giảm và chờ các đề xuất mới về giấy cấp phép khai thác khoáng sản được thông qua giúp cho hoạt động khai khoáng hồi phục tốt hơn. Nhóm Công nghiệp Chế biến chế tạo (+1.55% MoM, -10.4% YoY). Mặc dù suy yếu do các tác động từ nhu cầu sản xuất giảm và nghỉ Tết Nguyên Đán, nhưng vẫn là động lực chính của nền kinh tế khi một số nhóm ngành vẫn duy trì được đà tăng so với cùng kỳ như Dệt may (+4.2% YoY), Sản xuất trang phục (+6.07% YoY), Sản xuất da (+10.34% YoY). Chỉ số nhóm Sản xuất và phân phối điện giảm -3.11% MoM nhưng tăng +0.41% YoY, duy trì xu hướng tăng trưởng hàng năm nhờ nhu cầu điện ổn định. Mức giảm so với tháng trước phản ánh sự điều chỉnh sau giai đoạn tiêu thụ điện cao điểm cuối năm. Mảng cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (-5.11% MoM, +9.2% YoY) duy trì đà tăng ổn định.
Trong tháng 01/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 63.2 tỷ USD, giảm -10.33% MoM và -3.31% YoY, nhưng cán cân thương mại đạt thặng dư 3.1 tỷ USD. Trong đó, Xuất khẩu đạt 33.2 tỷ USD (-6.59% MoM, -3.96% YoY), chiếm 52.5% tổng kim ngạch, trong khi Nhập khẩu đạt 30.1 tỷ USD (-14.13% MoM, -2.57% YoY), chiếm 47.5%. Chúng tôi cho rằng sự chững lại này chủ yếu do hoạt động xuất nhập khẩu qua mùa cao điểm cuối năm và số ngày làm việc giảm trong dịp Tết Nguyên Đán. Chúng tôi đánh giá rằng sự chững lại của xuất nhập khẩu trong tháng 01/2025 không ảnh hưởng đến xu hướng phục hồi trong thời gian tới. Đặc biệt, xuất khẩu được kỳ vọng duy trì tốc độ tăng trưởng 15% của năm 2024 và tiếp tục bứt phá trong năm 2025 nhờ vào: (1) các tín hiệu tích cực từ dòng vốn FDI, (2) triển vọng thương mại toàn cầu cải thiện, và (3) các cải cách chính sách thương mại, hải quan giúp giảm chi phí và thời gian xử lý thủ tục hành chính. Tuy nhiên, cần thận trọng với các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt là rào cản thuế quan như việc áp thuế 25% đối với thép từ ngày 4/3.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/1/2025, tổng vốn đầu tư công giải ngân ước đạt 10,382 tỷ đồng, tương đương 1.18% kế hoạch năm và 1.26% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. So với cùng kỳ năm 2024, tiến độ giải ngân đang ở mức rất thấp, chưa bằng một nửa so với mức 2.46% kế hoạch năm và 2.58% kế hoạch Thủ tướng giao trong năm trước. Chính phủ siết chặt kỷ luật giải ngân: Trước tình hình giải ngân chậm, ngày 18/02/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 16/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương hoàn tất việc phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn trong quý I/2025. Nếu không hoàn thành đúng hạn, phần vốn chưa phân bổ sẽ bị thu hồi và chuyển sang các dự án có khả năng triển khai nhanh hơn. Chính phủ xác định đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô và tạo việc làm. Các bộ, ngành và địa phương được yêu cầu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai quyết liệt để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch năm 2025, đảm bảo vốn đầu tư công thực sự trở thành động lực cho nền kinh tế. Giải ngân đầu tư công năm 2025 có thể chậm trong nửa đầu năm nhưng sẽ tăng tốc mạnh vào nửa cuối năm, nhờ các biện pháp chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu trên 95% kế hoạch, cần giải quyết triệt để các vướng mắc hành chính và đảm bảo tính kỷ luật trong thực hiện vốn đầu tư công.
Tổng vốn FDI đăng ký tháng 01/2025 tăng mạnh đạt 4.3 tỷ USD, +48.6% YoY. Trong đó, số dự án được cấp mới là 260 với giá trị 1.29 tỷ USD, 137 dự án góp vốn mua cổ phần với giá trị 0.32 tỷ USD và 282 dự án vốn đăng ký tăng thêm với giá trị 2.73 tỷ USD. Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, đạt 1.4 tỷ USD, tương đương 32.2% tổng đầu tư FDI. Lĩnh vực thu hút FDI hàng đầu vẫn là Chế biến chế tạo với tỷ trọng 71.3%, tiếp theo là Bất động sản với tỷ trọng là 23.5% tổng vốn FDI. Vốn FDI trong tháng 01/2025 tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng giảm so với tháng trước, chủ yếu do kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán làm gián đoạn hoạt động đầu tư. Bên cạnh đó, các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khiến doanh nghiệp nước ngoài thận trọng hơn trong việc mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực về dòng vốn FDI trong thời gian tới, với tiềm năng từ các dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, điển hình như NVIDIA đã xác nhận đầu tư vào Việt Nam. Thêm vào đó, tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cùng với các chính sách thu hút FDI của Chính phủ và các địa phương có thể tiếp tục thúc đẩy dòng vốn FDI chuyển dịch vào Việt Nam.
Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục có sự đan xen ở hầu hết các kỳ hạn: ở kỳ hạn qua đêm (giảm 12bps về mức 3.92%), kỳ hạn 1 tháng (tăng 52bps lên mức 5.2%), kỳ hạn 3 tháng (giảm 30 bps lên mức 5.35%) và kỳ hạn 6 tháng (tăng 144 bps lên mức 6.28%). Mặt bằng lãi suất vẫn theo dự đoán của chúng tôi trong các báo cáo trước. Chúng tôi duy trì quan điểm về việc lãi suất sẽ ổn định hoặc tăng nhẹ (trừ khi có các tác động công cụ hỗ trợ khác mạnh hơn từ NHNN) do: (1) Mặc dù tỷ giá tăng trở lại sau khi ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ nhưng áp lực tỷ giá hạ nhiệt khi Fed tiếp tục hạ lãi suất, (2) Chính phủ Việt Nam vẫn duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ phát triển nền kinh tế. Lợi suất trái phiếu chính phủ nhìn chung vẫn tiếp tục đi ngang trong cả 3 kỳ hạn: lợi suất đi ngang ở kỳ hạn 1-2 năm và giảm 6bps ở kỳ hạn 10 năm xuống mức 3.06%. Lợi suất trái phiếu chính phủ duy trì đi ngang hoặc giảm nhẹ trong nửa năm vừa qua phản ánh mức độ rủi ro vĩ mô ổn định và ở mức thấp, tình hình kinh tế vẫn đang tiếp tục hồi phục. Chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm lợi suất trái phiếu sẽ tiếp tục đi ngang trong các tháng tiếp theo, tuy nhiên cần theo dõi các biến số vĩ mô trong thời gian tới.
Tỷ giá giảm trước Tết, nhưng áp lực tăng vẫn hiện hữuTrong tháng 01/2025, cả tỷ giá trung tâm, tỷ giá ngân hàng (VCB) và tỷ giá tự do đều có xu hướng giảm trước kỳ nghỉ Tết, lần lượt -0.04% MoM, -1.79% MoM và -1.17% MoM. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm rằng tỷ giá sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do các chính sách kinh tế của ông Donald Trump, khiến đồng USD mạnh lên và lạm phát tại Mỹ gia tăng. Để giảm bớt áp lực, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp thông qua việc bán ngoại tệ, nhưng xu hướng tăng của USD/VND có thể sẽ tiếp diễn, do dòng vốn FDI có khả năng bị cản trở và hoạt động xuất khẩu chịu ảnh hưởng khi giá USD trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng. Giá vàng SJC trong nước tăng mạnh trong tháng 01/2025 ở cả hai chiều mua và bán. Cụ thể, giá mua vào đạt 86.8 triệu VND/lượng (+5.6% MoM, +15.12% YoY), giá bán ra đạt 88.8 triệu VND/lượng (+5.46% MoM, +13.99% YoY), với mức chênh lệch duy trì ở 2 triệu VND/lượng. Đà tăng này trái ngược với dự báo trước đó của chúng tôi, khi các chính sách thuế quan mới của Mỹ làm gia tăng nguy cơ chiến tranh thương mại, kéo theo lạm phát leo thang, thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn. Chúng tôi cho rằng giá vàng có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, đặc biệt nếu xuất hiện thêm các biện pháp trả đũa từ các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Nhận định: Bước sang năm 2025, nền kinh tế Việt Nam đối diện nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Mặc dù triển vọng tăng trưởng được hỗ trợ bởi chính sách tài khóa mở rộng (tăng trưởng tín dụng mục tiêu 16%, GDP mục tiêu 8%), nhưng rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu, đặc biệt nếu giá năng lượng tăng do xung đột địa chính trị. Tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng do ảnh hưởng từ chính sách của Tổng thống Donald Trump, trong khi dòng vốn ngoại vẫn chưa thực sự ổn định khi khối ngoại duy trì bán ròng. Lãi suất liên ngân hàng biến động nhưng vẫn trong xu hướng ổn định, lợi suất trái phiếu đi ngang phản ánh tâm lý thị trường vững vàng. Tổng thể, Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm 2025, nhưng cần theo dõi sát sao các yếu tố vĩ mô toàn cầu và chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát rủi ro lạm phát.
Vui lòng xem báo cáo chi tiết: Báo cáo vĩ mô tháng 01.2025
Chia sẻ