VN-Index đóng cửa tuần giao dịch thứ 45 tại mức 1,252.6 điểm, giảm nhẹ -2.33 điểm (-0.19%) so với tuần trước. Thị trường có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm với 2 phiên giảm mạnh (test lại vùng MA200).
Giá trị giao dịch của VN-Index giảm mạnh (lưu ý thanh khoản giảm tuần thứ 3 liên tiếp) khi chỉ đạt 13,465 tỷ đồng, giảm -10.4% so với tuần trước và giảm -15.9% so với trung bình 5 tuần gần nhất, đây là mức thấp nhất kể từ tuần 37.2024
Dòng tiền tiếp tục giảm ở nhóm Ngân hàng, Hóa chất, Bán lẻ và tăng ở các nhóm Bất động sản, Chứng khoán và Thép. Cụ thể, dòng tiền nhóm Ngân hàng với tỷ trọng tiếp tục giảm tuần thứ 3 liên tiếp từ đỉnh (trong 10 tuần), với chỉ số giảm -1.26%, đây cũng là một trong những xúc tác khiến thị trường giảm trong tuần vừa qua. Với các nhóm tăng tỷ trọng, ngoại trừ nhóm Bất động sản thì các nhóm ngành còn lại như Dịch vụ Tài chính, Công nghệ Thông tin và Tài nguyên Cơ bản tăng đi ngược thị trường chung.
Chỉ số nhóm vốn hóa vừa (VNMID) và nhỏ (VNSML) có hiệu suất tốt hơn thị trường khi tăng lần lượt +0.6% và +0.93% trong khi nhóm vốn hóa lớn (VN30) giảm mạnh hơn thị trường -0.62% do áp lực bán mạnh các cổ phiếu Bất động sản và Ngân hàng của khối ngoại trong tuần vừa qua. Về sức mạnh dòng tiền, dòng tiền giảm mạnh ở các cổ phiếu vốn hóa lớn từ 63.0% xuống còn 50.5%, ngược lại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ tăng tỷ trọng dòng tiền lần lượt từ 29.3% và 7.7% lên mức 40.8% và 8.7%.
Khối ngoại bán ròng 3,469.5 tỷ đồng. Trong khi đó, Cá nhân mua ròng 991.2 tỷ đồng, Tự doanh mua ròng 234.4 tỷ đồng và Nhóm nhà đầu tư Tổ chức trong nước mua ròng 2,244.0 tỷ đồng.
Nhận định: VN-Index tiếp tục điều chỉnh và duy trì trạng thái tích lũy trong thời gian khá lâu tại vùng hỗ trợ trung hạn 1,250 +/-10 điểm, thanh khoản đang ở vùng rất thấp cho thấy thị trường đã phản ánh các rủi ro (1) Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, (2) Cuộc họp Fed tháng 11, (3) Biến động địa chính trị toàn cầu (4) Áp lực tỷ giá cùng động thái hút ròng thanh khoản của NHNN, và (5) Kết quả quý 3 không thuận lợi của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, động lực tăng của thị trường cũng không nhiều nên chúng tôi thiên về kịch bản thị trường sẽ tiếp tục dao động tại vùng 1,240-1,270 với sự phân hóa cao. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư duy trì cổ phiếu trong NAV ở trạng thái cân bằng (<50%), và có thể mua dần cổ phiếu với tỷ trọng thấp (<20%) với kỳ vọng giai đoạn tới tâm lý dòng tiền và rủi ro thị trường sẽ cải thiện dần.
Mời Quý Nhà đầu tư xem báo cáo chi tiết: Báo cáo thị trường tuần 46.2024
Chia sẻ