CẬP NHẬT KẾT QUẢ KINH DOANH 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2024
Tăng trưởng tín dụng tích cực, tính đến ngày 31/10/2024 đạt 10.08% so với cuối năm 2023. Mặc dù, các tháng đầu năm nhu cầu hấp thụ vốn trong nền kinh tế tương đối yếu, nhưng từ tháng 6 sức hấp thụ của nền kinh tế đã tích cực trở lại, trong quý 3 một số tỉnh thành chịu thiệt hại nặng vì cơn bão số 3 (Yagi) nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn tích cực.
Biên lãi ròng (NIM) trung bình toàn ngành trong 9 tháng năm 2024 ở mức 3.4%, giảm 13 bps với cùng kỳ. Nguyên nhân NIM sụt giảm do nhiều ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay nhằm khuyến khích khách hàng vay vốn để đáp ứng mục tiêu hỗ trợ phục hồi kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo chính sách của Chính phủ. Trong khi, chi phí vốn dần tăng do nhiều ngân hàng buộc phải nâng lãi suất huy động lên mức cao hơn nhằm đảm bảo tính ổn định về nguồn vốn.
Lãi suất huy động của nhóm NHTM cổ phần tư nhân xu hướng tăng, các ngân hàng tư nhân có dấu hiệu tăng lãi suất huy động bắt đầu từ cuối tháng 3 chủ yếu là lãi suất kỳ hạn dưới 12 tháng, trong khi nhóm ngân hàng vốn nhà nước vẫn duy trì lãi suất ổn định.
Chất lượng tài sản các ngân hàng có xu hướng suy giảm. Tỷ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng niêm yết ở mức 2.29% vào cuối quý 3/2024, nhích lên so với 2.20% cuối năm 2023.
Lợi nhuận sau thuế của 28 ngân hàng trong 9 tháng năm 2024 đạt hơn 173,773 tỷ đồng, tăng 15.9% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh như: LPB (+139.5%YoY), VPB (+67.7%YoY), HDB (+45.3%YoY), EIB (+39.0%YoY) và TCB (+33.8%YoY).
Định giá cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hiện đang ở mức thấp hơn trung bình lịch sử, với P/B trung bình ngành hiện khoảng 1.50 lần, thấp hơn so với mức 1.76 lần của trung bình 5 năm.
Nhận định: Nhìn chung, ngành ngân hàng Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 đã duy trì đà tăng trưởng ổn định, với lợi nhuận và tài sản tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, việc quản lý nợ xấu và duy trì chất lượng tài sản vẫn là thách thức cần được chú trọng trong thời gian tới. Tăng trưởng tín dụng đến hết năm 2024 sẽ tiếp tục tích cực nhờ Chính phủ thực hiện các gói kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy đầu tư công. Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách lãi suất ổn định và nới room tín dụng cho các ngân hàng có hiệu quả hoạt động tốt. Sự phục hồi của các ngành chủ lực như sản xuất, xuất khẩu, cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, cần thận trọng trong việc kiểm soát rủi ro tín dụng, đặc biệt ở lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng cá nhân, để đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng.
Các cổ phiếu tiềm năng: HDB, TCB, ACB
Mời Quý Nhà đầu tư xem Báo cáo chi tiết: HDS_Báo cáo ngành Ngân hàng 9 tháng năm 2024
Chia sẻ